Đây không phải lần đầu tiên Google phải đối mặt với những vụ kiện chống độc quyền trên khắp thế giới. Không dừng lại, số lượt kiện tùng sẽ ngày càng tăng lên, ít nhất cho tới tháng Giêng năm sau.

Theo Bloomberg, đang có ít nhất ba bang của Hoa Kỳ gồm Utah, Bắc Carolina và New York đang xem xét các khoản phí mà gã khổng lồ công nghệ này thu được từ các giao dịch mua và đăng ký trong ứng dụng. Tổng chưởng lý từ các ban trên đang chuẩn bị cho vụ kiện chống độc quyền đối với Google và có thể họ sẽ nộp đơn ngay đầu năm sau.

Cụ thể, tỷ lệ hoa hồng nhận được từ CH Play chính là mấu chốt dẫn đến tranh cãi giữa Google và các nhà phát triển. Cũng như Apple, Google sẽ thu phí 30% từ các lượt đăng ký và mua hàng từ người dùng trong ứng dụng. Sau một năm thì mức hoa hồng này sẽ giảm xuống còn 15% cho các đăng ký.


Còn nhớ vài tháng trước, cũng lý do tương tự, Epic đã kiện cả Google và Apple vì xóa Fortnite khỏi các cửa hàng ứng dụng của họ sau khi hãng này cung cấp cho người dùng phương thức mua các mặt hàng trực tiếp từ nhà phát triển với giá thấp hơn. Đó được xem như là một động thái nỗ lực để tránh phải trả phí cho các gã khổng lồ công nghệ. Sau đó, nhiều công ty khác có cả Spotify và Facebook cũng đã hợp lại phía sau nhà phát triển trò chơi trên để phản đối chính sách hiện có của các cửa hàng ứng dụng từ Google và Apple.

Về phía Google, khi được hỏi về cuộc điều tra, Google cho rằng các nhà nhà phát triển Android không cần phải xuất bản trên Cửa hàng Play nếu họ không muốn trả phí. Rất dứt khoát!

“Android luôn cho phép mọi người dùng tải ứng dụng từ nhiều cửa hàng ứng dụng khác nhau. Mỗi cửa hàng có thể tự quyết định mô hình kinh doanh và tính năng tiêu dùng của mình. Có nghĩa là ngay cả khi nhà phát triển và Google không đồng thuận về các điều khoản kinh doanh thì nhà phát triển đó vẫn có thể phân phối ứng dụng của mình trên nền tảng Android.”


Năm nay Google đối mặt với khá nhiều kiện tụng, hồi tuần trước gã khổng lồ công nghệ này đã phải đối mặt với vụ kiện lớn do giới chức chống độc quyền ở 38 bang và vùng lãnh thổ tại Mỹ liên kết thực hiện. Vụ kiện tập trung vào hoạt động kinh doanh quảng cáo và tìm kiếm của Google. Từ đó đẩy các đối thủ cạnh tranh vào tình thế nguy hiểm khi cạnh tranh, có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi hoặc dừng hoạt động.

Ngày 16/12, một nhóm các bang tại Mỹ do bang Texas đứng đầu cũng đã nộp đơn cáo buộc Google có những hành động phi cạnh tranh, làm mất đi môi trường cạnh tranh công bằng trong hoạt động quảng cáo trực tuyến. Google luôn ưu tiên những gợi ý của chính hãng này trong các kết quả tìm kiếm. Chính điều này đã làm tổn hại tới các đối tác của hãng.

Ngày 17/12, một tòa án Moskva đã phạt Google khoảng 41.000 USD vì không gỡ bỏ những kết quả tìm kiếm chứa thông tin bị cấm tại quốc gia này. Đây là lần thứ 4 trong vài năm trở lại đây Google bị phạt do không gỡ bỏ những nội dung bị cấm như vậy.