Sự kiện mong muốn đưa những nét đặc sắc của múa dân tộc truyền thống Việt Nam đến gần hơn với thế hệ trẻ, đồng thời góp phần tôn vinh những nét đẹp của nghệ thuật truyền thống, khơi gợi niềm tự hào về những giá trị văn hóa của dân tộc.

Vừa qua, nhóm sinh viên chuyên ngành Quan hệ công chúng – Event, trường Cao đẳng FPT Polytechnic Hồ Chí Minh đã tổ chức một sự kiện văn hóa nghệ thuật, với mong muốn chia sẻ tình yêu quê hương đất nước, yêu những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc

Sự kiện có sự hiện diện của thầy Trần Văn Nam – Giám đốc khối đào tạo FPT Polytechnic Hồ Chí Minh, Đạo diễn – biên đạo múa Lê Việt, MC Uyên Minh, ca sĩ Tuấn Tú và vũ đoàn Ngọc Trai Việt.

Phát biểu mở màn chương trình, thầy Trần Vân Nam cho biết: “Đây là lần thứ 3 liên tiếp, tôi dự những sự kiện có nội dung đều là tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống. Những ý tưởng sự kiện này cần được lan tỏa rộng rãi đến giới trẻ nhằm gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật của dân tộc và góp phần phát triển hơn”.

Các giảng viên của trường Cao đẳng FPT Polytechnic Hồ Chí Minh và nhóm sinh viên thực hiện sự kiện.

Sự kiện được tổ chức với mong muốn giúp các bạn trẻ tìm hiểu về những giá trị văn hóa và tinh hoa của nghệ thuật múa dân gian Việt Nam. Những tác phẩm được trình diễn trong chương trình là những sáng tạo mới của những tác giả trẻ. Họ sử dụng chất liệu là những điệu múa truyền thống nhưng được biến tấu khác đi để phù hợp với thời đại như mở màn là điệu múa Sen, điệu múa uyển chuyển thướt tha của những cô gái dân tộc Kinh trong bộ áo tứ thân qua tác phẩm múa Nụ tầm xuân.

Tiết mục múa Nụ tầm xuân.

Tiết mục Múa Mâm Vàng của nghệ sĩ múa Nguyễn Đinh Bảo Bảo – người đạt giải Huy Chương Vàng chuyên nghiệp tài năng biểu diễn múa toàn quốc 2017 khiến khán giả không khỏi trầm trồ, thích thú.

Anh đã làm chủ sân khẩu và đưa người xem từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bằng sự uyển chuyển, chuyên nghiệp của mình trong từng động tác múa.

Múa Mâm Vàng của nghệ sĩ múa Nguyễn Đinh Bảo Bảo.

Bên cạnh đó, không thể thiếu tiết mục hát kết hợp cùng với vũ đoàn Ngọc Trai Việt của ca sĩ Tuấn Tú qua ca khúc Đêm hoa đăng. Đây là tác phẩm được cách tân từ điệu múa Lục cúng hoa đăng của cung đình Huế.

Đặc biệt, điều khiến cho khán phòng trở nên yên ắng và tập trung hơn chính là sự xuất hiện của 2 nghệ sĩ múa Hồng Duyên và Thế Vinh qua tiết mục múa Đoạn, bắt nguồn từ câu chuyện cảm động kể về tình yêu của một nghệ nhân dành cho con rối do chính tay mình làm ra.

Tiết mục múa Đoạn.

Cái hay ở những tiết mục mà đoàn múa Ngọc Trai Việt đã mang lại cho khán giả chính là từng câu chuyện, từng khung cảnh trong sinh hoạt đời sống dân gian Việt Nam được tái hiện lại một cách chân thực, khiến người xem liên tục đắm chìm theo dõi và không thể nào rời mắt.

Chương trình cũng dành một phần thời lượng để chúc mừng và tôn vinh điệu múa Xòe Thái đã được UNESCO ghi nhận là di sản văn hoá phi vật thể vào ngày 15/12/2021. Tiết mục được thể hiện qua ca khúc Suối Ban Trắng.

Tiết mục múa Chăm.
Khán giả vui cùng điệu Xòe Thái.

Bên cạnh những tiết mục văn nghệ đặc sắc, phần trò chuyện cùng đạo diễn Lê Việt đã giúp khán giả hiểu hơn về múa dân tộc cũng như những câu chuyện xoay quanh các điệu múa.

Nam đạo diễn bày tỏ: “Đừng vội trách các bạn trẻ không quan tâm, mà chính những người đi trước phải nghĩ cách để giúp các bạn trẻ cảm thấy yêu nghệ thuật của dân tộc hơn, nghĩ cách để các bạn trẻ không cảm thấy đó là trách nhiệm mà là quyền của chính mình, quyền được tìm hiểu, được yêu, được đam mê với những tinh hoa nghệ thuật của dân tộc.

Từ đó có ý thức gìn giữ nghệ thuật của dân tộc, góp phần giúp đất nước trở nên phát triển và sánh vai với các nước bạn hơn”.

Tiết mục múa Hello Việt Nam do đoàn múa Ngọc Trai Việt thể hiện.
Tiết mục Đêm hoa đăng.