Bên cạnh những nguy cơ dư thừa năng lượng, trà sữa cũng có những nguy cơ sức khỏe nếu các thành phần trong loại đồ uống này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những “tai nạn” không thể ngờ khi uống trà sữa

Mới đây, GS Nguyễn Thanh Liêm (nguyên Giám đốc BV Nhi Trung ương) chia sẻ câu chuyện thương tâm về một bé 21 tháng tuổi bị bại não, nguyên nhân chỉ vì uống trà sữa.

Theo GS Nguyễn Thanh Liêm, bố bé là công nhân xây dựng, cuối tháng nhận được tiền lương người đàn ông này đã đưa vợ con lên thành phố chơi.

“Anh chiêu đãi vợ một cốc trà sữa. Con đòi thử không may hút phải thạch làm tắc đường thở, ngưng thở. Bé được đưa vào bệnh viện cấp cứu, bé sống nhưng trong tình trạng sống thực vật, chân tay không còn cử động, tất cả các cơ gồng cứng, phải cho ăn qua ống thông.

Chụp MRI  thấy não bị teo rất nặng. Mặc dù rất ít hy vọng nhưng bố mẹ vẫn muốn ghép tế bào gốc cho bé. Ca ghép đã được tiến hành nhưng với tình trạng của bé chắc còn phải ghép một số lần nữa. Mong bé sẽ có thay đổi tích cực. Các phụ huynh cần chú ý không cho trẻ nhỏ uống các loại trà sữa hoặc ăn thạch mút”, GS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ.

Đây không phải trường hợp đầu tiên gặp “sự cố” khi uống trà sữa. Trước đó, năm 2019 BV  Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng từng tiếp nhận một nam bệnh nhân 20 tuổi (trú tại Hạ Hòa – Phú Thọ) trong tình trạng đau bụng nhiều, nôn, bụng chướng, chụp cắt lớp có hình ảnh tắc ruột, các quai ruột giãn to.

Theo người nhà, bệnh nhân có thói quen ăn uống không khoa học, thường xuyên uống trà sữa, bỏ cơm. Bệnh nhân này đau bụng 20 ngày trước khi nhập viện, tình trạng ngày càng tăng. Gia đình đã đưa nam thanh niên vào bệnh viện tuyến huyện để điều trị. Tuy nhiên, sau 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân không đỡ nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Tại đây, qua thăm khám và các cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột do bã thức ăn. Tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy 2 khối bã thức ăn to trong dạ dày và ruột non của bệnh nhân.

Bác sĩ Trần Thanh Tùng, Phó trưởng Đơn vị Ngoại – Trung tâm Khám chữa bệnh chất lượng cao, cho biết với trường hợp bệnh nhân này, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc cao, hoại tử ruột, suy đa tạng và gây nguy hại đến tính mạng.

Từng trả lời báo chí về tác hại của trà sữa đối với sức khỏe, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, thành phần của trà sữa cơ bản thường gồm 4 thành phần chính: là trà, sữa và trân châu và đường

Đối với trà thường sử dụng trà đen, trà xanh, trà trắng và trà ô long. Nếu không sử dụng đúng loại trà hoặc hương liệu thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, rất có thể những loại hương liệu này sẽ có chứa các hóa chất độc hại (hóa chất hương nhài có gốc từ penzylacetat, hương sen từ P – dimethoxy penzin, đều là những chất độc hại gốc hữu cơ).

Đối với trân châu – thành phần chủ yếu của hạt trân châu là tinh bột lọc hoặc tinh bột sắn (chiếm khoảng 80%), đường cô đặc, hương liệu thực phẩm và chỉ có dưới 1% thành phần của trân châu là chất xơ và protein. Do thành phần chủ yếu là từ tinh bột, nên mặc dù nhìn những hạt trân châu này rất nhỏ bé, nhưng lại có chứa rất nhiều năng lượng. Một hạt trân châu có thể chứa tới 5-14 kcal mỗi viên. Thông thường, một cốc trà sữa sẽ thường được thêm 2 thìa trân châu, có thể cung cấp tới 100 kcal. Tuy nhiên, về cơ bản, trân châu thiếu hụt nhiều vitamin và khoáng chất, và gần như không có giá trị dinh dưỡng nào.

Tuy nhiên, ngày nay, thành phần của trà sữa không chỉ có trân châu mà còn được bổ sung thêm nhiều loại đồ đi kèm (thường được gọi là topping), ví dụ như pudding trứng, kem phô mai, thạch… 

Do chứa nhiều đường và calo, nên nếu uống quá nhiều trà sữa, có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, thiếu hụt dinh dưỡng. Đặc biệt, các bạn học sinh, đang là lứa tuổi cần tích lũy chất dinh dưỡng, uống quá nhiều trà sữa có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển. Tuy nhiên, trà sữa không phải là nguyên nhân duy nhất cũng như nguyên nhân chính gây béo phì. Đây chỉ là một trong những nguyên nhân gây béo phì.

Bên cạnh những nguy cơ năng lượng dư thừa, trà sữa cũng có những nguy cơ sức khỏe nếu các thành phần trong loại đồ uống này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đó, vì lợi ích, một số cửa hàng trà sữa trân châu không dùng bột trà tự nhiên mà chế từ bột màu. Hương vị không khác với trà tự nhiên nhưng nó được chế tạo từ các chất tổng hợp hóa học.

Nếu dùng thường xuyên trong thời gian dài, chúng sẽ gây thương tổn cho chức năng của gan, thận.

Do đó các chuyên gia lưu ý, một ly trà sữa trân châu có thể không có tác động đến sức khỏe, nhưng  đây không phải là món đồ uống có thể sử dụng hàng ngày. Không nên cho trẻ nhỏ sử dụng trà sữa. Không uống trà sữa thay cho các bữa chính.