Nhãn, vải, hành tỏi là những thực phẩm tối kỵ với người say rượu, vậy nên ăn gì để cơ thể tỉnh táo lại nhanh chóng?

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Đông y – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay say rượu là tình trạng ngộ độc cấp tính do uống lượng rượu quá nhiều.

Dưới tác dụng của rượu vỏ não bị ức chế dẫn đến tình trạng rối loạn hành vi, nói cười không tự chủ, đầu nặng mắt hoa, đi đứng xiêu vẹo, nôn mửa bừa bãi. Một số người có biểu hiện da lạnh, thở nhanh, thậm chí dẫn đến tình trạng nguy kịch do xuất huyết não, nhồi máu cơ tim và các tai nạn giao thông nguy hiểm.

Khi lâm vào trạng thái phiền toái này, theo quan niệm của y học cổ truyền, người say nên ăn những đồ có tác dụng thanh nhiệt sinh tân, chỉ khát hóa đàm để nhằm mục đích giải
rượu và phòng chống các tai biến không mong muốn.

Lê: Tính mát, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt sinh tân, hóa đàm. Người say ăn nhiều lê sẽ đỡ nhanh cảm giác miệng khô họng khát, ngực bụng nóng bức không yên.

Táo: Tính mát, vị ngọt, có công dụng sinh tân trừ phiền, chỉ khát giải rượu. Để đạt hiệu quả giải rượu cao nhất, nên ăn táo tươi hoặc ép lấy nước uống.

Cam: Tính mát, vị chua ngọt, có công dụng sinh tân chỉ khát, giải rượu lợi tiểu. Cam có khả năng trừ nhiệt độc trong đường tiêu hóa, giải khát, lợi tiểu và giải rượu.

Một số trái cây giải rượu rất hiệu quả.

Trám: Có công dụng thanh phế, lợi họng, sinh tân và giải rượu. Khi say rượu nên dùng trám tươi 10 quả, bỏ hạt, sắc lấy nước uống.

Phật thủ: Cổ nhân cho rằng, phật thủ là một vị thuốc phương hương lý khí, có tác dụng kích thích tiêu hóa, trừ đàm, làm hết nôn và giải rượu. Khi say rượu nên dùng 12-15 g phật thủ tươi (hoặc 6 g khô) hãm với nước sôi, uống thay trà.

Chuối tiêu: Tính lạnh, vị ngọt, có công dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, tiêu khát, giải rượu.

Quất: Có công năng hạ khí, làm khoan khoái lồng ngực, giải khát giải rượu, trừ uế, nếu dùng vỏ quất thì càng tốt.

Chanh: Tính mát, vị chua, cũng có công dụng giải rượu. Nên lấy chanh trộn với đường rồi ép thành bánh, khi say rượu cắt vài miếng cho vào cốc nước sôi, hãm uống vì chanh có công năng “tiêu ngoan đàm, giáng khí, hòa trung, khai vị, khoan cách, kiện tỳ, giải tửu”.

Nước mía: Tính lạnh, vị ngọt, có công dụng thanh nhiệt sinh tân, nhuận táo giải
rượu. Tuy nhiên, khi say rượu nên dùng nước mía ép tươi chứ không nên dùng đường chế từ mía đã tinh luyện vì đường tính ấm, nếu dùng nhiều có thể tích nhiệt.

Củ cải: Chữa nuốt chua, tích trệ, giải rượu, tán ứ huyết rất công hiệu. Khi say
rượu nên ăn củ cải tươi hoặc ép lấy nước uống.

Củ đậu: Tính mát, vị ngọt, có công dụng sinh tân chỉ khát, giải rượu. Nên dùng
củ đậu ép lấy nước uống hàng ngày để chữa ngộ độc rượu mạn tính.

Trà: Trà có thể giải độc rượu và thức ăn, làm sảng khoái tinh thần, đầu óc tỉnh táo. Nghiên cứu hiện đại cho thấy chất Theine trong lá trà có công dụng cải thiện chức năng giải độc của tế bào gan, giúp cơ thể bài tiết nhanh chất alcohol qua đường nước tiểu.

Mật ong: Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh nhận định fructose trong mật ong giúp
cơ thể phân hủy thành những sản phẩm phụ vô hại và giảm đau đầu, đặc biệt là cơn đau đầu do uống rượu vang.

Ăn nho trước khi uống rượu sẽ giúp bạn tránh bị say rượu.

Nho: Cả nho tím và nho xanh đều chứa axit tartaric. Khi kết hợp với ethanol trong rượu, axit tartaric tạo thành este giúp gây nôn và giải rượu. Ăn nho trước khi uống rượu sẽ giúp bạn tránh bị say rượu.

Nước cà chua: Sau khi uống rượu, cơ thể mất đi một lượng đường nhất định trong
máu, gây nên hiện tượng mệt mỏi, chóng mặt bởi đường huyết là nguồn năng lượng duy trì hoạt động
não bộ. Để ngăn chặn tình trạng này, bạn hãy uống một cốc nước cà chua để bổ sung fructose. Sắc tố
lycopene trong cà chua còn có tác dụng kháng viêm hiệu quả.

Những lưu ý khi giải rượu

Tuyệt đối không nên dùng sữa chua để giải rượu vì các thành phần trong sữa chua gây kích ứng dạ dày, dẫn đến tiêu chảy. Thay vì sữa chua, bạn có giải rượu bằng sữa tươi. Uống sữa tươi trước khi uống rượu khoảng 30 phút sẽ hình thành một lớp màng bảo vệ ở thành dạ dày.

Bên cạnh đó, trà đặc cũng không phù hợp để giải rượu. Sự kết hợp của trà và rượu sẽ tạo áp lực lên tim, có thể gây rối loạn nhịp tim hoặc thậm chí là suy tim. Trà đặc cũng cản trở quá trình chuyển hóa rượu và gây hại cho thận.

Ngoài ra, để giải rượu kinh nghiệm dân gian còn dùng các loại rau quả như dưa hấu, dưa chuột, dưa gang, canh đậu xanh, rau cải, ngó sen tươi, cà phê… Người bị say rượu không nên ăn vải, đại táo, nhãn, hạt tiêu, hành, tỏi, quế, ớt, nhân sâm, tây dương sâm và hoàng kỳ.